Lịch sử hình thành Tiền_lệ_pháp

William I và cuộc chinh phạt nước Anh

Bài chi tiết: Trận Hastings
Vua William I của Anh (1028 - 1087)

Vào năm 1066, trong trận chiến Hastings, quân Norman do công tước William (còn biết đến với tên gọi William – "Kẻ chinh phục") chỉ huy đã đánh bại quân Ăng-lô Sắc-xông do vua Harold II chỉ huy, thống nhất nước Anh. William lên ngôi vua nước Anh với tên gọi là William I - trị quốc từ năm 1066 đến khi qua đời năm 1087.[37] Từ đây mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử nước Anh, thời kỳ mà nước Anh dưới sự cai trị của người Norman và cũng là thời kỳ khởi đầu cho giai đoạn hình thành Thông luật.[5][30][31][32][38]

Sau khi lên ngôi, William I đã thực hiện một loạt hành động mạnh mẽ như trấn áp bạo loạn, cũng cố vương quyền, thực hiện xây dựng bộ máy hành chính và cải cách tư pháp. Đó là những tiền đề quan trọng cho sự ra đời của Thông luật (hay là tiền lệ pháp, án lệ). Vốn là một người Pháp gốc Norman,[39] nhưng ông không muốn người dân bản địa xem mình là kẻ xâm lược nước Anh mà xem mình là người Anh. Vì thế, ông tự xưng mình là người thừa kế hợp pháp của các ngôi vua Anglo-Saxon, đồng thời William không vội vàng áp đặt pháp luật của người Norman đối với cư dân bản địa, không huỷ bỏ các tập quán truyền thống của Anh và hệ thống toà án địa phương hoặc thay đổi chúng một cách đột ngột.[31] Nhà vua vẫn giữ nguyên hệ thống pháp luật ở Anh, đi kèm với nó là hệ thống tòa án ở mỗi địa phương. Các toà án này vẫn tiếp tục áp dụng tục lệ từ trước của họ mà chưa có bộ luật nào chung cho toàn vương quốc.

Tòa án Hoàng gia được thiết lập

Ở nước Anh trước đó, tồn tại nhiều vùng, miền khác nhau với nhiều tập quán khác nhau, những tập quán này được người Anh gọi là Luật ví dụ như: Luật Dane được áp dụng ở miền bắc, Luật Mercia ở miền trung và Luật Wessex ở miền tây và miền nam. Cùng với đó là sự hiện diện của nhiều hệ thống tòa án khác nhau (gọi là các Tòa án truyền thống). Ở mỗi địa phương, đều có những Tòa địa hạt (County Court) được chủ trì bởi các giám mục và các hạt trưởng, thực hiện việc xét xử dựa trên những tập quán địa phương. Ngoài ra, còn có Tòa án Giáo hội sử dụng luật của Giáo hội (Canon Law), tòa án ở các thành phố áp dụng Luật thương gia và Tòa Lãnh chúa áp dụng các quy tắc tập quán phong kiến.[30]

Khi lên ngôi, nhà vua đã thiết lập ở Anh một tòa án đặt tại cung điện Buckingham (ở Khu vực Westminster[40] gọi là Tòa Hoàng gia. Ban đầu, Tòa án này không có thẩm quyền toàn diện vì đây là tòa án riêng để giải quyết các vụ việc liên quan tới những người Norman cùng đến Anh với William I. Tới thế kỷ XII, Tòa Hoàng gia đã thay mặt Nhà vua xét xử một số vấn đề về quyền đối với đất đai, thu thuế, trừng phạt các tội phạm hình sự nghiêm trọng cũng như giải quyết một số tranh chấp nhất định, nhất là những tranh chấp có liên quan đến sự ổn định của vương triều. Sự mở rộng thẩm quyền của Tòa Hoàng gia đi kèm là sự mở rộng về mặt quy mô, cơ cấu tổ chức của Tòa án này.

Dù vậy, bên cạnh Tòa hoàng gia ở trung ương ngày càng có vị trí quan trọng, thì ở Anh các tòa địa phương vẫn tồn tại và có thẩm quyền rộng, giải quyết hầu hết các tranh chấp (trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa Hoàng gia), qua đó cạnh tranh với sự tồn tại của Tòa án này. Nhưng trong quá trình cạnh tranh, Tòa Hoàng gia dần dần giành được ưu thế (vì hiện đại và chuyên nghiệp hơn, được sự quan tâm, đầu tư rất lớn từ phía triều đình), các vụ tranh chấp khó giải quyết đều dồn lên cho Tòa Hoàng gia, số lượng đơn khiếu nại của người dân dần chuyển sang Tòa Hoàng gia. Tòa Hoàng gia đã xét xử nhiều vụ hơn so với giới hạn ban đầu. Hệ quả là các Tòa Hoàng gia dần mở rộng đến mức các toà án địa phương mất tác dụng[38] và cuối cùng, Tòa Hoàng gia đã thay thế các tòa truyền thống để trở thành cơ quan xét xử duy nhất nước Anh.[30][31][32][38]

Tiền lệ pháp ra đời

Với mục đích tăng uy tín của tòa Hoàng gia để, góp phần giải quyết thấu đáo các đơn thư khiếu nại của các địa phương gửi lên. Từ thời Vua William I, rất nhiều thẩm phán của Tòa hoàng gia đã được phái đi thực tế tại các địa phương. Những vị thẩm phán này trở thành những thẩm phán lưu động (Travelling Justice) có nhiệm vụ đi khắp đất nước, đến tất cả các vùng thuộc quyền cai trị của Nhà vua, nhân danh Nhà vua để xét xử các vụ việc tại địa phương bằng các phiên tòa xét xử lưu động[30] (Hình thức này cũng giống như các khâm sai đại thần hay án sát ngự sử ở một số nước phương Đông như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên thời phong kiến).

Ở các vùng được gửi đến để thực hiện nhiệm vụ, các vị thẩm phán trong thời gian đầu đã áp dụng những tập quán và luật pháp của vùng để xét xử các vụ án mà không hề áp đặt pháp luật của Hoàng gia (có lẽ là theo ý chỉ của Nhà Vua). Khi giải quyết các tranh chấp theo luật lệ địa phương thì nảy sinh vấn đề là: ở Anh có quá nhiều tập quán khác nhau tại mỗi vùng miền khác nhau, mỗi tòa án áp dụng một kiểu luật. Cho nên có trường hợp cùng một vụ việc nhưng đến các vùng khác nhau thì các vị thẩm phán phải giải quyết vụ việc đó theo các cách khác nhau (phải tuân thủ tập quán và pháp luật tại mỗi vùng đó). Việc phải giải quyết kiểu như vậy dẫn đến không thống nhất trong xét xử, gây khó khăn cho các vị thẩm phán.[31]

Tuy vậy, sau thời gian thực thi những nhiệm vụ tại mỗi vùng đất khác nhau, những vị thẩm phán thường trở lại Westminster (họ vẫn giữ chỗ ở thường xuyên về mùa đông tại Luân Đôn) để thảo luận, trao đổi những vấn đề về tập quán và luật pháp của vùng mà mình đã áp dụng để xét xử cho từng vụ việc. Các vị thẩm phán đã làm quen với tất cả các tập quán khác nhau và mỗi khi gặp nhau họ thường thảo luận, so sánh các điểm mạnh, điểm yếu của các tập quán địa phương khác nhau cũng như những kinh nghiệm trong quá trình xét xử. Sau đó, họ chọn lọc ra những vụ việc hợp lý, những phán quyết có tính thuyết phục cao của các vị thẩm phán ở các vùng khác nhau để làm cơ sở cho các vị thẩm phán tham khảo và áp dụng khi xét xử các vụ án có tình tiết tương tự sau này.[30][31]

Cách áp dụng tương tự này dần dần được coi như những tiền lệ và dần dà điều này đưa đến kết quả là các thẩm phán Hoàng gia ngày càng áp dụng thường xuyên hơn các quy định của pháp luật giống nhau trên khắp đất nước, những phán quyết này được xem là "khuôn vàng thước ngọc" cho các thẩm phán áp dụng giải quyết các vụ việc khác. Đồng thời, để đảm bảo cho việc thực hiện các phán quyết mang tính chất khuôn mẫu đó, các thẩm phán đã xây dựng nên nguyên tắc tiền lệ - "Stare decisis", có nghĩa là "tiền lệ phải được tôn trọng". Theo nguyên tắc này, bất kỳ ở nơi đâu phát sinh những vấn đề mang tính chất pháp lý thì khi đưa ra phán quyết phải tuân theo những trường hợp tương tự đã giải quyết trước đây và những bản án khuôn mẫu của tòa án trước đây được gọi là án lệ.

Về sau nguyên tắc này được cơ quan chuyên trách pháp luật của nhà Vua công nhận như một nguyên tắc xét xử chung cho toàn thể mọi vùng lãnh thổ nước Anh, đó chính là sự ra đời của tiền lệ pháp. Tiền lệ pháp ra đời dẫn đến Tòa Hoàng gia có thể xét xử các vụ việc xảy ra ở các địa phương khác nhau theo nguyên tắc pháp luật chung, từ đó Quyết định của các toà án hoàng gia dần dần trở thành luật chung cho cả vương quốc, kể từ lúc này, hệ thống pháp luật của nước Anh cơ bản được thống nhất. Thuật ngữ "Common Law" – Thông luật hay Luật thông lệ (nghĩa đen là pháp luật chung) đã ra đời và được hiểu là truyền thống pháp luật dựa trên các án lệ (luật án lệ).[30][31]

Có thể nói, tiền lệ pháp ra đời gắn với sự ra đời của Thông luật, nó chính là hình thức pháp luật và là nguyên tắc pháp lý đặc trưng của hệ thống pháp luật Anh. Sự ra đời của nó đáp ứng yêu cầu thống nhất pháp luật và sự tập quyền tư pháp của chế độ quân chủ ở Anh trong thời kỳ này. Xem xét ở góc độ cụ thể, chúng ta có thể nhận thấy, sự ra đời của tiền lệ pháp gắn chặt với sự ra đời và vai trò của Tòa Hoàng gia mà trước hết là đội ngũ thẩm phán lưu động. Không thể nói tiền lệ pháp ra đời năm 1066 hay khi Tòa Hoàng gia được thiết lập vì tiền lệ pháp được hình thành qua một quá trình lâu dài (ít nhất phải đến thế kỷ XII), nhưng cuộc xâm lược nước Anh của William I và Tòa hoàng gia được thiết lập là điều kiện then chốt dẫn đến sự ra đời của nó. Tiền lệ pháp giúp cho thẩm quyền và quy mô của Tòa Hoàng gia được mở rộng (vì đây là "con át chủ bài" giúp Tòa Hoàng gia xét xử một cách có hiệu quả, tăng sự cạnh tranh với các Tòa truyền thống), ngược lại sự lớn mạnh của Tòa Hoàng gia là yếu tố quan trọng giúp cho tiền lệ pháp được phổ biến trên toàn cõi Anh.

Ngoài ra, tiền lệ pháp ra đời bên cạnh vai trò của các thẩm phán trong việc xây dựng và áp dụng những nguyên tắc mới trong quá trình xét xử, còn do sự kế thừa trực tiếp từ hình thức tập quán pháp, đó là những tập quán khác nhau ở mỗi địa phương mà các thẩm phán đã chọn lọc, thao khảo và dùng làm cơ sở để đưa ra phán quyết. Sự kế thừa này là một điều tất yếu vì đây chính là đặc điểm mang tính lịch sử của pháp luật Anh, đó là tình kế thừa và "tính kết nối bền vững không thể phủ nhận được với quá khứ".[41] Chính vì thế khi nói đến Thông luật, bên cạnh tiền lệ pháp, ta không thể không nhắc đến tập quán pháp.

Một yếu tố không thể không nhắc đến, đó là tầm nhìn sáng suốt của vua William I và những người kế vị của Vương triều Norman. Vốn là một người ngoại quốc,[42] nhưng William đã khôn khéo hợp pháp hóa sự hiện diện của mình về mọi mặt trên toàn cõi nước Anh. Về mặt pháp luật, ông không vội vã áp đặt pháp luật của Vương triều người Norman hay ý chí của ông lên nước Anh (điều mà ông ta có khả năng thực hiện). Vì ông ta tin chắc rằng, việc thay đổi những cái đã có sẽ dẫn đến sự phản kháng của người dân bản địa, nơi mà luôn coi trọng những giá trị truyền thống đến mức bảo thủ. Ông đã khôn khéo đi từ truyền thống của chính người Anh, qua tay của những thẩm phán của ông để xây dựng nên một thứ pháp luật mà vua William và con cháu của ông có thể kiểm soát được.

Ông không tuyên bố đặt ra luật lệ nhưng thẩm phán của ông sẽ làm điều đó. Trong quá trình xét xử, họ đã dần dần bổ sung vào luật lệ của người Anh những quan điểm, ý chí (hay lợi ích) của họ thông qua các bản án. Các bản án này lại nhân danh những tập truyền thống để rồi dần dần thay thế nó thông qua việc đưa ra nguyên tắc tuân thủ án lệ thay vì tuân thủ tập quán. Người bản địa "ngây thơ" chấp nhận những án lệ đó như là truyền thống của mình (thực tế trong giai đoạn đầu, các án lệ vẫn vận dụng những tập quán truyền thống, nhưng những giai đoạn sau khi án lệ đã hoàn toàn thay thế tập quán thì rất khó để khẳng định các quan tòa trong khi xét xử có áp dụng tập quán pháp hay không) và ra sức tuân thủ, và như vậy William I và những người kế thừa của ông đã thành công. Đây cũng là sự sáng suốt của William "kẻ chinh phục" - người được xem là một trong những vị vua tài giỏi bậc nhất thế giới trong lịch sử nhân loại.[43]

Sự khẳng định

Sau khi ra đời, qua quá trình phát triển thăng trầm của lịch sử, có lúc phải chịu lùi bước trước Luật công bình - là đối tượng cạnh tranh quyết liệt với tiền lệ pháp.

Vì tiền lệ pháp bắt nguồn từ quyết định của các tòa án (xuất xứ truyền thống của tiền lệ pháp là các án lệ) chứ không phải luật do cơ quan lập pháp ban hành, mặt khác tiền lệ pháp lại dựa trên truyền thống án lệ lâu đời cho nên theo thời gian, tiền lệ pháp đã biến thành một tập hợp các quy định tố tụng cứng nhắc và máy móc. Không theo kịp với những thay đổi của xã hội Anh lúc bấy giờ mà còn bảo thủ, trì trệ. Cho nên, nhà vua đã chấn chỉnh bằng cách không ban hành luật mới mà lại thành lập một loại tòa án mới - đó là Tòa Công lý (hay Tòa Công bình).

Nếu một thần dân cho rằng một quyết định theo các án lệ trước đó là không công bằng thì có thể thỉnh cầu lên nhà vua. Do có quá nhiều thỉnh cầu như vậy, nhà vua phải cho thành lập Tòa Đại pháp quan (The Court of Chancery) do một viên Đại Pháp quan đứng đầu (Thường thì viên Đại pháp quan này xuất thân là tể tướng hoặc là người đứng đầu Giáo hội ở Anh). Tòa Đại pháp quan này xét xử dựa trên các lẽ công bình và "tình yêu của Chúa trời", từ đó hình thành nên nguyên tắc xét xử công bằng (in equity - công bằng và bình đẳng).[30] Tòa án này được phép tự quyết định cách điều chỉnh sự phán xử theo luật thông lệ trước đó, đồng thời chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ của các quy tắc tôn giáo, quyết định của tòa án này đã sản sinh ra một loại luật được gọi là luật công bình, cũng dựa trên quyết định các tòa án từ trước.[38]

Sau khi Tòa đại pháp quan và Luật công bình ra đời đã được sự đón nhận nhiêt liệt của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp nghèo khổ. Tòa đại pháp quan nhận được nhiều thư thỉnh cầu giải quyết của các thần dân các thẩm phán phải "đầu tắt mặt tối" giải quyết khiếu kiện, quyền lực và uy tín của Đại pháp quan được cũng cố. Trong lúc đó các Tòa Hoàng gia lại có nguy cơ rơi vào tình trạng "ngồi chơi xơi nước".

Tuy vậy, việc xét xử mà chỉ đơn thuần dựa vào đạo đức và niềm tin tôn giáo một cách ngây thì khó có thể có hiệu quả lâu dài, chính vì vậy, sau một thời gian phát triển, Luật công bình đã bọc lộ những hạn chế (một trong những hạn chế đó là dựa quá nhiều vào tình cảm, đạo đức và vai trò của người xét xử), và đó là cơ hội cho Thông luật hay tiền lệ pháp với những giá trị không thể phủ nhận của nó đã khẳng định được ưu thế của mình trong lịch sử pháp luật Anh nó riêng cũng như lịch sử pháp luật thế giới nói chung.

Thông luật (với nguyên tắc cơ bản là tiền lệ pháp) đã được phổ biến rộng rãi trên thế giới. Vào thế kỷ thứ XVIII – XIX, Đế quốc Anh đã mang tiền lệ pháp sang tất cả các lục địa (trước hết là những thuộc địa của họ). Tiền lệ pháp đã được tiếp nhận ở nhiều nước, nhưng thành công nhất là ở các quốc gia nơi người định cư Châu Âu chiếm số đông và áp đặt luật lệ của họ lên người bản địa như: Úc, Canađa, New ZealandHoa Kỳ (Louisiana đã có luật thành văn trước khi trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ).

Thông luật cũng được áp đặt ở nhiều thuộc địa khác nhưng thường được điều chỉnh để thích ứng với tập tục địa phương. Trong một vài trường hợp, Hoa Kỳ đã áp đặt nhiều phần của tiền lệ pháp đối với các lãnh thổ uỷ trị mới (như tại Philippines). Tại châu Phichâu Á, luật thông lệ vẫn được áp dụng ở các thuộc địa cũ của Anh Quốc. Ngày nay, Ấn Độ là nước theo tiền lệ pháp đông dân nhất.[8] Và hệ thống Thông luật (Common Law) (hay hệ thống pháp luật Anh – Mỹ hay Hệ thống pháp luật Anglo – Saxon hay hệ thống luật Án lệ) cùng với hệ thống pháp luật Châu âu lục địa (Dân luật) trở thành một trong hai hệ thống pháp luật phát triển nhất và có ảnh hưởng rộng rãi nhất trên thế giới.[5][31]

Hiện nay, mặc dùn trải qua nhiều sự thăng trầm của lịch sử, sự giao thoa, ảnh hưởng lẫn nhau của các hệ thống pháp luật do quá trình toàn cầu hóa, nhưng ở Hệ thống pháp luật Anh – Mỹ thì án lệ là nguồn cơ bản của pháp luật. Đặc biệt, ở Vương quốc Anh thực thi một hệ thống tiền lệ pháp – đó là hệ thống các quyết định và bản án của tòa án có tính chất chỉ đạo giải quyết và thi hành pháp luật, nhưng đồng thời cũng là quy trình hình thành pháp luật mới.

Để giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực Tư pháp quốc tế, thẩm phán tòa án Anh, Mỹ thường áp dụng tiền lệ án hơn là áp dụng quy phạm luật. Đây là xu hướng chung trong hệ thống pháp luật nước này: Điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài bằng các quy phạm tiền lệ pháp hơn là bằng các văn bản quy phạm pháp quy. Và như vậu hệ thống các án lệ ở nước này đóng vai trò quyết định và cơ bản trong hệ thống luật pháp.[44] Điều đó đã khẳng định sự tồn tại của tiền lệ pháp.